Khám phá bản thân
TT – Được người này khen nức nở nhưng lại bị người khác chê bai thậm tệ khiến các bạn trẻ không khỏi hoang mang “mình thật sự thế nào?”.
Anh Trần Tuấn Huy, chủ nhiệm CLB Giáo dục viên kỹ năng sống (thuộc Công ty Hợp Tác Trẻ), trưng ra mô hình “Cửa sổ tâm hồn của tôi”; gồm bốn ô cửa: Tôi biết, Người khác biết, ô mở và ô mù. Để khám phá ô cửa “Tôi biết”, mỗi bạn ghi ra ba nhu cầu quan trọng lên ba hình vẽ chiếc bánh, ba ước mơ lên hình ba đám mây, ba ưu điểm lên hình ba bông hoa, ba nhược điểm lên hình ba tảng đá. Tiếp theo, mỗi người tự điền vào những chỗ trống: Tôi nghĩ tôi là người…, Tôi nhận thấy tôi…, Tôi cho rằng tôi…, Tôi…, Tôi là người…
Đến đây ai cũng nhận ra: dòng suối cuộc đời của mình ngoài những bông hoa (ưu điểm, thế mạnh), mọc ven bờ còn có những hòn đá (nhược điểm) cản dòng chảy và những khúc quanh, ngã rẽ (quyết định quan trọng làm thay đổi cuộc đời) và những biển báo đường thủy (nhân vật, sự kiện ảnh hưởng mình). Phía trên dòng suối ấy là những ước mơ tương lai và nhu cầu hiện tại.
Với trò chơi “dán nhãn”, mỗi người viết vào tờ giấy trên lưng bạn, đồng thời chìa lưng mình cho bạn khác ghi vào. Trong thực tế cuộc sống, bạn có thể bị/được nhiều người “dán nhãn” xấu/tốt khác nhau, hãy tổng hợp chúng vào ô cửa “Người khác biết”. Ngồi giữa bạn bè, bạn chia sẻ và so sánh giữa những điều “Tôi biết” và những gì “Người khác biết”. Nếu trùng khớp, đó có thể là sự thật về bạn (hoàn thành ô cửa “ô mở”).
Và nếu không trùng khớp thì đó là những điều không chắc chắn về bạn. Trong mô hình, bạn không cần làm gì với “ô mù” vì đó là ô cửa để ta suy gẫm: có những điều về bản thân ta mà cả người khác lẫn chính ta cũng không biết rõ. “Đừng hành xử nông nổi với những điều bí ẩn”, anh Huy chia sẻ. Một bạn trẻ khẳng định: “Mỗi người có bản sắc riêng nên ta phải tôn trọng sự khác biệt đó”.
Bầu không khí lại sôi nổi khi từng nhóm nhỏ vẽ ra “cây ưu điểm” và “cây nhược điểm” của thành viên nhóm. Bước tiếp theo là thảo luận những gì tôi cần làm (và người khác hỗ trợ) để biến những nhược điểm hiện tại thành ưu điểm trong tương lai: nóng tính thành điềm tĩnh, nhút nhát thành tự tin, thụ động thành chủ động… Sau đó, các nhóm trao đổi cho nhau bảng kết quả thảo luận để bổ sung ý kiến về giải pháp.
Hãy cứ là chính mình! “Nhiều bạn trẻ quá đau khổ về những khiếm khuyết (do mình tự nghĩ ra hoặc người khác “dán nhãn”). Thật ra mỗi người chỉ là một chiếc bình nứt. Nếu không nhận thức rõ bản thân lại bị áp lực dồn nén thì chiếc bình nứt ấy sẽ bể tan do hành động nông nổi”, Huy cho biết. Còn Thu, thành viên CLB, chia sẻ: “Khám phá các ô cửa sổ về bản thân giúp tôi nhận ra và khắc phục những nhược điểm. Mỗi người hãy cứ là chính mình với bản sắc riêng có, và điều chỉnh cái riêng đó phù hợp với tập thể, cộng đồng”. |