Cùng con khép lối vào “mê cung”
TT – Hình ảnh đứa bé “quẹt quẹt” điệu đà trên màn hình thiết bị số tuy mang lại niềm vui nho nhỏ cho cha mẹ, nhưng có thể sẽ khiến họ vất vả tìm lối cho con thoát khỏi “mê cung game”.
Trong khi đó, dù muốn hay không thì các thiết bị số với đủ loại game hấp dẫn đã có mặt trong nhiều gia đình.
“Hớp hồn” con trẻ
Con trai vào lớp 1, chị B.T. (quận Thủ Đức, TP.HCM) mua một chiếc iPad vừa cho mình dùng vừa cho con giải trí.
Trước đây, thằng bé hay mượn điện thoại của chị chơi game, giờ được chơi trên màn hình rộng càng thích. Thấy con rất hứng thú, khi chơi không quấy rầy mẹ, lại còn thao tác thành thạo, phản xạ nhanh nên chị nghĩ chắc chẳng hại gì.
Chỉ từ hai tháng qua, mỗi lần cất chiếc iPad đi là thằng bé gào thét, khóc lóc, giãy giụa đòi cho bằng được, thậm chí có lần bé mất bình tĩnh đánh cả mẹ khiến chị rất lo lắng.
Câu chuyện nói trên của ThS Trần Tuấn Huy, giám đốc Trung tâm đào tạo giá trị sống – kỹ năng sống YMCA, không còn hiếm gặp trong thời đại số.
Từng có quá trình hỗ trợ cai nghiện game cho trẻ, ThS Huy cho rằng trẻ “cày” game có nguy cơ vướng hàng loạt căn bệnh như béo phì, tăng mỡ bụng, bệnh đường tiêu hóa cùng các vấn đề về tâm lý như đầu óc mê muội, uể oải…
Đó là chưa kể việc tiếp xúc với các hình ảnh bạo lực hoặc không phù hợp với lứa tuổi trên thiết bị số có thể khiến trẻ bị tê liệt cảm xúc, rối loạn tâm lý, rối loạn thần kinh, trầm cảm…
Theo TS Helena Johnson – chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Vương quốc Anh, việc thường xuyên lạm dụng thiết bị số, vốn chỉ có bàn tay, cổ tay và các ngón tay phải hoạt động liên tục trong khi toàn bộ thân người gần như bất động có thể gây tổn hại sức khỏe của trẻ nhiều hơn ta tưởng, đặc biệt khi trẻ ngồi sai tư thế.
Theo chuyên viên tâm lý Lê Khanh, trẻ lạm dụng thiết bị số có thể trở nên thụ động, mất khả năng hình dung, tưởng tượng, tư duy logic và nhu cầu giao tiếp hai chiều… vốn là tiền đề phát triển năng lực sau này.
Còn TS Nguyễn Thị Bích Hồng kể ra nhiều “cái dở” khác: trẻ ỷ lại phương tiện có sẵn nên lúng túng khi thiếu chúng; dễ trở nên đua đòi theo bạn bè; có khuynh hướng đề cao yếu tố vật chất, ưa chuộng “đẳng cấp”, “sành điệu” hơn sự nỗ lực, sáng tạo; đề cao ngoại lực hơn nội lực bản thân…
Vì sao trẻ nghiện thiết bị số? Có lẽ cha mẹ nào cũng dễ dàng nhận ra sự có mặt của các thiết bị số trong gia đình mình cùng sự sẵn có các trò chơi (game) hấp dẫn trong đó.
Âm thanh nổi, màu sắc bắt mắt, hình ảnh động, câu chuyện cuốn hút, có tính thử thách, mang lại cho người chơi cảm giác chiến thắng… của game dễ dàng “hớp hồn” con trẻ.
ThS Huy nói: “Game thật quyến rũ. Con trẻ có nhu cầu chơi để học, trong khi xung quanh trẻ thiếu trầm trọng các sân chơi, trò chơi phù hợp lứa tuổi”.
Ở góc độ gia đình, theo TS Hồng, không ít cha mẹ chưa hiểu rõ sự lợi hại của các thiết bị số, cộng với sự thiếu hụt kỹ năng làm cha mẹ nên không có định hướng việc sử dụng cho con trẻ, thậm chí có cha mẹ còn “mượn tay” thiết bị số làm “vú nuôi” cho con trẻ để mình rảnh tay lo công việc.
Bà Hồng cho biết thêm: “Ngay cả người lớn cũng không kiểm soát tốt hành vi, cũng lạm dụng thiết bị số để chơi game thì làm sao con trẻ không bắt chước”.
Cả nhà cùng “quẹt quẹt”
Ngày nay, các thiết bị số đã được sử dụng quá phổ biến, thậm chí các gia đình đô thị còn có nhiều món, vì thế việc cấm đoán con trẻ tiếp cận chúng là không thể.
Cho nên theo các chuyên gia giáo dục, thử thách đối với cha mẹ là làm sao để các phương tiện hiện đại này không gây tác động tiêu cực đối với con trẻ và “làm lạnh” tổ ấm, ngược lại còn trở thành phương tiện hỗ trợ con phát triển lành mạnh và góp phần vun đắp hạnh phúc gia đình.
Theo ông Huy, trẻ cần được “chơi để học” mà các thiết bị số là phương tiện rất tiện lợi. Vì vậy, cha mẹ có thể cùng con chọn game để chơi và chơi cùng trẻ.
Cái lợi mang lại không chỉ là kiến thức, kỹ năng, niềm vui cho cả hai phía mà quá trình chơi còn giúp cha mẹ hiểu thêm tính cách, cảm xúc, ứng xử của con để rồi tìm cách tác động giúp con mau khôn lớn.
“Điều quan trọng hơn là tạo được mối quan hệ gắn kết trong gia đình” – ông Huy phân tích.
Do đó, không riêng gì game với thiết bị số, cha mẹ có thể chủ động cùng trẻ thiết kế và sáng tạo nhiều trò chơi thật khác và cùng chơi với nhau. Không chỉ là chuyện chơi, cha mẹ có thể cùng con trẻ đi xem phim, thả diều, ra công viên, làm từ thiện…
Ngoài ra, theo chia sẻ của chị Ngọc Bích (quận 3, TP.HCM), việc cả nhà cùng lao động như làm vệ sinh, trang trí nhà cửa hay tổ chức các “sự kiện gia đình” cũng là cách hay để “kéo” trẻ rời xa sức hút của game, qua đó còn giúp trẻ có ý thức sớm về lao động, sự chia sẻ công việc và hình thành tính trách nhiệm cho trẻ.
Song nhiều cha mẹ than thở họ “đầu tắt mặt tối, lấy đâu thời gian để làm như thế”. Muốn làm được, theo bà Hồng, cha mẹ cần xem lại các mục tiêu cá nhân và cân bằng hài hòa giữa gia đình và công việc.
Hơn thế, cha mẹ cần học cách tổ chức cuộc sống gia đình sao cho hiệu quả. “Đừng áp đặt mà hãy cùng con phân bổ thời gian sinh hoạt hợp lý, tiếp theo là cùng xây dựng các quy định trong gia đình” – bà Hồng gợi ý.
Cứ thế, danh sách “luật gia đình” sẽ dần dài ra mà trong đó có các quy định về chơi game, chẳng hạn: giờ nào việc nấy, làm xong bài tập mới coi tivi, chơi game không quá 15 phút, nói “không” với thiết bị số trong lúc gia đình sum họp bên nhau…
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
THÁI BÌNH (Chủ nhiệm Hội quán Nếp Nhà)