Con bướng bỉnh, cha mẹ thất kinh
TT – Con gái hơi nhút nhát nên đi đâu mẹ cũng dẫn đi cùng cho thêm dạn dĩ. Chiều nay, mẹ chọn sẵn cho bộ đầm đẹp đi ăn cưới, nhưng con gái quyết liệt đòi mặc bộ khác do mình chọn, mẹ tức quá hét lên…
Thay vì cùng vui vẻ đi ăn tiệc cưới, tối đó bé Thu bị mẹ (chủ xưởng may Q.Tân Bình, TP.HCM) đánh đòn, còn ba mẹ thì cãi nhau về cách dạy con.
Ngựa con dở chứng
“Cha mẹ gần gũi thì con cái mới tin tưởng và chia sẻ những tâm tư vui buồn, từ đó sẽ giáo dục được con cái. Ngoài ra, ai cũng biết trẻ rất thích được khen nhưng người lớn thường tiết kiệm lời khen với trẻ, còn nếu bị chê mãi trẻ sẽ tỏ ra khó chịu và bướng bỉnh hơn. Cần khen chân thành, hợp lý, cụ thể, đúng lúc và trước nhiều người càng tốt. Muốn chê thì phải khen trước, đồng thời gợi ý cách làm tốt hơn, chê hành vi chứ không chê con người” |
Chị Bích Hà, nhân viên một chi nhánh ngân hàng ở Q.3, TP.HCM, có một bé gái 5 tuổi và một bé trai 20 tháng. Trước đây bé gái rất ngoan, nhưng từ 3 tuổi đến giờ chỉ thích làm theo ý mình, thẳng thừng cãi cha mẹ. Theo lời chị Hà, mỗi khi bị mẹ la rầy là bé đập phá đồ đạc. “Chẳng lẽ cứ đánh đòn con mãi, mà hình như nó cũng chẳng còn sợ đòn roi. Nguy hiểm nhất là thằng em cũng bắt chước làm theo chị nó”, chị Hà than thở.
Khác với chị Hà, chị Thủy (nhân viên lễ tân khách sạn ở Q.2, TP.HCM) có con trai đang độ tuổi dậy thì và bướng theo kiểu khác. “Trời nóng hầm hập mà nó cứ sùm sụp hai ba lớp áo, thiệt chướng mắt. Cũng lạ, ở nhà mẹ chê ăn mặc xấu xí, nhưng bạn bè lại khen nó mặc đẹp, có phong cách tuổi teen”, chị kể. Có mấy cái áo mặc mãi nên hôi kinh khủng, chị góp ý thì thằng bé nói: “Mẹ hổng thương con nên tối ngày cứ moi móc chuyện này chuyện nọ để chê bai!”.
Các hành vi bướng bỉnh của trẻ không chỉ có vậy. Con chị Thảo (6 tuổi, nhà trên đường Nhất Chi Mai, Q.Tân Bình, TP.HCM) có thói quen xấu là ngồi lì xem tivi không chịu đi ngủ. Mẹ nói mãi không được nên thò tay tắt tivi, bé giãy nảy, chụp và ném tất cả đồ đạc xung quanh. Còn con gái chị Trinh (P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã 12 tuổi mà không biết giúp mẹ nấu nướng, khi ăn còn chê ỏng chê eo, chị “chỉnh” thì bé đóng cửa phòng cái rầm để “dằn mặt” mẹ.
Con bướng tại ai?
Tại một buổi sinh hoạt chuyên đề gần đây, ThS xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng bướng bỉnh đôi khi không phải thói xấu, đó chỉ là hiện tượng tự nhiên khi con người muốn thể hiện cá tính và thoát khỏi sự phụ thuộc. Theo ThS Thúy, trẻ không thể khôn lớn nếu không có ý kiến, suy nghĩ, nhu cầu hay những mơ ước riêng tư. “Nhưng nếu coi thường những nguyên tắc của gia đình thì đó là bướng bỉnh xấu cần ngăn chặn, nếu không sau này trẻ sẽ coi thường những nguyên tắc và giá trị của xã hội”, Th.S Thúy nói.
Nếu vậy bướng bỉnh xấu có từ đâu? Một nhóm bà mẹ nêu ra nhiều nguyên nhân từ trẻ: chưa phân biệt được cái thực/ảo và đúng/sai, muốn lôi kéo sự chú ý của cha mẹ, sức khỏe thể chất có vấn đề, bắt chước bạn… Một nhóm khác nêu ra hàng loạt nguyên nhân từ cha mẹ: chưa giúp trẻ phân biệt đúng/sai một cách rõ ràng, không làm gương, ít thời gian chơi với trẻ, ít lắng nghe trẻ… Cách ứng xử hoặc quá mềm mỏng, chiều con, bênh con, hoặc quá nghiêm khắc, áp đặt, thiếu tình cảm, thiên vị đều có thể khiến trẻ bướng bỉnh hơn. Và trong các gia đình có mâu thuẫn như cãi nhau, đánh nhau, ly hôn… cũng vậy. “Trẻ bướng bỉnh xấu là dấu hiệu cho thấy có gì không ổn trong cách giáo dục, mối tương giao giữa cha mẹ và con”, ThS Thúy nhận định.
Dập “lửa” và phòng cháy
Hầu hết ông bố bà mẹ đều khó kìm được cơn nổi đóa khi con bướng bỉnh xấu, từ đó họ không lắng nghe để đồng cảm với những suy nghĩ của trẻ lúc đó. Ngược lại, có khi cha mẹ chỉ cần nhẹ nhàng nói rõ yêu cầu và giải thích rõ ràng thì trẻ dịu xuống ngay. Ngoài ra, muốn dập “lửa”, cha mẹ cũng có thể phớt lờ trẻ. “Cha mẹ cũng có thể chọc cười bé, “lái” bé sang chuyện khác… “Nhưng đôi khi cha mẹ cần dứt khoát nói không với cơn bướng của trẻ”, ThS Thúy khuyên. Đó là khi trẻ cáu kỉnh, làm đau ai đó, đòi hỏi những thứ nhảm nhí, hành vi bướng bỉnh khiến trẻ gặp nguy hiểm… Muốn vậy, những người lớn cần thống nhất cái gì được/không được phép. Và cần nói “không” với trẻ một cách rành mạch, dứt khoát thay vì hét lên, cách nói nhằm hướng tới sự hợp tác thay vì tuân lệnh.
Không đánh hay mắng chửi con, không dán nhãn “hư, xấu, tồi” cho con, không áp đặt con điều mình muốn… là những cách ứng xử mà theo các bà mẹ là giải pháp lâu dài để con không bướng bỉnh xấu. Muốn vậy, theo ThS Thúy, cha mẹ cần tôn trọng con, tôn trọng lời hứa của mình, tôn trọng giá trị của chính mình và người khác. “Khi được tôn trọng và động viên, trẻ sẽ sống xứng đáng”, ThS Thúy đúc kết.